Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường đại học tự chủ, được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội Các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam công nhận và cấp Chứng nhận trường Đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Thông tin chung

  • Tên gọi: Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
  • Địa chỉ: xã Lệ Chi – Huyện Gia Lâm – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: 024 – 38276514
  • Email: phongdaotao@hict.edu.vn
  • Website: www.hict.edu.vn
  • Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng: TS. Hoàng Xuân Hiệp

2. Sứ mệnh, tầm nhìn

Sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung theo hướng ứng dụng, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tầm nhìn: Phấn đấu trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, phát triển đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế.

Giá trị cốt lõi: Chất lượng – Năng động – Đáp ứng nhu cầu xã hội.

Mục tiêu tổng quát: Đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có đạo đức, có sức khoẻ, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp chuyên sâu, có niềm đam mê nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, có khả năng thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế.

3. Cơ sở vật chất

Nhà trường có tổng diện tích 60.000m2, bao gồm các khu giảng đường với 88 phòng học các loại; trung tâm thông tin thư viện – 2.500m2; 42 phòng học thực hành may; 11 phòng học máy tính; 8 phòng học thiết kế thời trang và 1 sàn catwalk; 2 phòng đa phương tiện dành cho học tiếng Anh; 1 phòng studio phục vụ dạy và học e-learning; các xưởng thực hành cơ điện – 1.000m2, xưởng sản xuất dịch vụ – 5.000m2; khu ký túc xá khoảng 1000 – 1200 SV; nhà thể chất đa năng – 800m2; 2 nhà ăn tập thể; khu giáo dục thể chất 5.000m2.

Toàn cảnh Giảng đường lý thuyết, thí nghiệm, thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Khu xưởng thực hành trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Trường có Trung tâm Sản xuất dịch vụ với quy mô gần 400 lao động, quan hệ với hơn 30 quốc gia/khu vực và trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc…Trung tâm đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp sinh viên được thực tập kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, ứng dụng mô hình công nghệ mới như LEAN, phương thức sản xuất ODM gắn liền với các nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng năm hơn 2.000 lượt SV thực tập tại đây.

Trung tâm Sản xuất dịch vụ – trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

4. Đội ngũ cán bộ giảng viên

Hiện Nhà trường có 266 giảng viên cơ hữu, trong đó hơn 80% có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Ngoài ra, 100% giảng viên dạy thực hành đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên và trình độ kỹ năng nghề bậc 5 phù hợp với chuyên ngành hướng dẫn, hơn 60% giảng viên đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 1-5 năm. Đây là yếu tố quyết định đảm bảo sinh viên của trường được trang bị kỹ năng thực hành đúng theo chuẩn của doanh nghiệp.

5. Hoạt động khoa học và công nghệ

Hàng năm Nhà trường:

  •  Triển khai thực hiện từ 15-20 đề tài các cấp từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước. Các đề tài đều được ứng dụng, thực nghiệm tại doanh nghiệp dệt may và mang lại hiệu quả cụ thể cho doanh nghiệp.
  • Tổ chức hơn 10 hội thảo, hội nghị khoa học cấp đơn vị đến cấp Quốc gia.
  • Công bố hơn 40 công trình trên các tạp chí, hội thảo khoa học tính điểm trong nước, quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
  • Biên soạn từ 5-7 đầu sách phục vụ đào tạo chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
  • Có 10 -15 đề tài sinh viên cấp Trường và Nhà trường lựa chọn từ 2-3 đề tài tham dự Giải thưởng sinh viên NCKH cấp cao hơn. Đặc biệt, sinh viên đã tham gia các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và cuộc thi khởi nghiệp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Năm 2019, Nhà trường đã hợp tác với Viện quản lý khoa học quốc tế Kolkata đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế IIMS với sự tham gia của 102 đại biểu, đến từ 9 quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế chụp ảnh lưu niệm

Tháng 2/2021, đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu, đề xuất ứng dụng mô hình Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số” do TS. Hoàng Xuân Hiệp chủ nhiệm được nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được ứng dụng tại 3 doanh nghiệp may, giúp doanh nghiệp giảm thời gian cân bằng chuyền, kiểm soát thời gian may của công nhân, giảm hàng lỗi và giảm thời gian xử lý phát sinh trên chuyền, năng suất của doanh nghiệp tăng từ 7-10% so với trước khi áp dụng mô hình.

Nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước triển khai mô hình Lean ứng dụng công nghệ số tại doanh nghiệp may

Hoạt động khoa học công nghệ của Trường ngày càng phát triển và được ứng dụng trong thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành dệt may nói chung trong thời đại công nghệ 4.0 cũng như nâng cao chất lượng đào tạo. Trường luôn nỗ lực phấn đấu trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho hội nhập quốc tế và xứng đáng là trường Đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.

Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của Trường ĐHCNDMHN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *